Phủ nhận Vấn đề chính thống của nhà Triệu

Trong truyền thuyết dân gian từ lâu đời là "Mỵ Châu - Trọng Thủy", quân Triệu được người dân Việt coi là giặc, thể hiện trong câu nói của Thần Kim Quy nói với An Dương Vương: "Giặc ở sau lưng nhà vua đấy" (hàm ý việc Mỵ Châu rắc lông ngỗng dẫn đường cho quân Triệu).

Phủ nhận từ bản thân Triệu Đà

Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên nhậm chức, Triệu Đà đã xin Tần Thủy Hoàng cho di dân 50 vạn người (tương đương số dân Âu Việt, Lạc Việt thời đó) từ Trung Hoa đến vùng này để đồng hóa người Việt tại đây. Như vậy, Triệu Đà thực sự muốn mở rộng lãnh thổ cho người Trung Hoa thông qua việc di cư lấn đất, đồng hóa phong tục, tập quán của các bộ tộc Việt theo lối Trung Hoa chứ không hề muốn bảo tồn dân tộc Việt. Đặt giả định nếu nhà Tần tồn tại lâu dài như nhà Hán thì Triệu Đà sẽ mãi làm tướng cho nhà Tần, và với việc tổ chức di cư ồ ạt người Trung Hoa xuống phía Nam, Triệu Đà sẽ là một viên quan đắc lực giúp Nhà Tần thực hiện Hán hóa người Việt.

Các tài liệu lịch sử của nhà Triệu còn cho thấy đến cuối đời, Triệu Đà đã quyết định bỏ danh hiệu Đế, quy phục nhà Hán (nhưng vẫn xưng Hoàng Đế ở trong Nam Việt). Triệu Đà viết thư nhờ Lục Giả gửi cho vua Hán, trong thư ông viết:

Man Di đại trưởng lão phu, thần Đà, mạo muội đáng chết, hai lạy dâng thư lên Hoàng đế bệ hạ. Lão phu vốn là lại cũ ở đất Việt, Cao Đế ban cho ấn thao làm Nam Việt Vương. Hiếu Huệ Hoàng Đế lên ngôi, vì nghĩa không nỡ tuyệt nên ban cho lão phu rất hậu. Cao Hậu lên coi việc nước lại phân biệt Hoa - Di, ra lệnh không cho Nam Việt những khí cụ làm ruộng bằng sắt và đồng; ngựa, trâu, dê nếu cho thì cũng chỉ cho con đực, không cho con cái. Lão phu ở đất hẻo lánh, ngựa, trâu, dê đã già... Lại nghe đồn rằng, phần mộ của cha mẹ lão phu bị đập phá, anh em họ hàng đều bị giết. Vì vậy, bọn lại bàn nhau rằng: "Nay bên trong không được phấn chấn với nhà Hán, bên ngoài không lấy gì để tự cao khác với nước Ngô". Vì vậy mới đổi xưng hiệu là Đế, để tự làm Đế nước mình, không dám làm điều gì hại đến thiên hạ. Cao Hoàng Hậu nghe tin cả giận, tước bỏ sổ sách của Nam Việt, khiến cho việc sai người đi sứ không thông... Lão phu ở đất Việt 49 năm, đến nay đã ẵm cháu rồi, nhưng vẫn phải dậy sớm, ngủ muộn, nằm không yên chiếu, ăn không biết ngon, mắt không trông sắc đẹp, tai không nghe tiếng chuông trống, chỉ vì không được làm bề tôi nhà Hán mà thôi. Nay may được bệ hạ có lòng thương đến, được khôi phục hiệu cũ, cho thông sứ như trước, lão phu dù chết xương cũng không nát. Vậy xin đổi tước hiệu, không dám xưng Đế nữa.[13]

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Quyển 113, phần Nam Việt liệt truyện,[14] thì ghi lại Triệu Đà tâu với sứ giả của Hán Văn Đế về việc mình xưng đế cũng chỉ để khác biệt với Mân Việt "chỉ có ngàn dân", Âu Lạc "trần truồng" và "lấy thế làm vui" như sau:

Đến năm thứ nhất Hiếu Văn đế (179 TCN), vừa an định thiên hạ xong, vua cho sứ giả bố cáo với chư hầutứ Di rằng thiên tử từ đất Đại về kinh đô lên ngôi, sẽ dùng đức để cai trị muôn dân. Mồ mả cha mẹ Đà ở Chân Định được vua thiết lập làng thôn trông coi chăm sóc, hằng năm cúng tế đầy đủ. Lại gọi anh em họ của Đà đến, cho làm quan và đối đãi rất hậu. Văn đế bảo bọn Trần Bình tiến cử người có khả năng đi sứ Nam Việt, Bình nói có Lục Giả người Hảo Chỉ, từ thời tiên đế đã quen đi sứ Nam Việt. Bèn gọi Giả vào triều cho chức Thái trung đại phu để làm sứ giả. Lục Giả đến Nam Việt, Việt vương hoảng sợ, viết thư tạ tội rằng: “Thần là Đà, đại trưởng lão xứ Man Di, trước đây Cao hậu ngăn trở chia cách Nam Việt, trộm ngờ bởi Trường Sa vương là bầy tôi sàm nịnh, lại nghe người ở xa tới bảo Cao Hậu đã giết hết gia tộc nhà Đà, đào đốt mồ mả tiền nhân, vì cớ ấy tôi quên mất tôn ti trật tự, xâm phạm biên giới Trường Sa. Vả lại phương nam này ẩm thấp, giữa chốn Man Di, phía đông là Mân Việt chỉ có ngàn dân vẫn xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương. Lão thần lấy bậy đế hiệu, lấy thế làm vui, đâu dám để vua trời nghe được.” Bèn cúi đầu sát đất lạy tạ, nguyện mãi mãi là phiên thần, có nghĩa vụ cống nạp. Bèn hạ lệnh xuống người trong nước: “Ta nghe nói hai anh hùng không thể cùng tồn tại, hai người đức hạnh và tài năng không bao giờ ở cùng thời đại. Hoàng đế nhà Hán là thiên tử hiền nhân. Từ nay trở về sau bỏ đế hiệu, xe mui vàng và cờ tả đạo.” Lục Giả trở về báo lại, Hiếu Văn đế rất vui lòng. Đến thời Hiếu Cảnh đế (157 TCN), Đà vẫn xưng thần, sai người vào triều thỉnh chầu. Tuy vậy ở Nam Việt vẫn trộm dùng đế hiệu như cũ, chỉ khi đi sứ thiên tử mới xưng vương và nhận triều mệnh như chư hầu. Đến năm Kiến Nguyên thứ tư (137 TCN), Triệu Đà mất.

Như vậy, Triệu Đà đã nhận rằng mình chỉ là phiên vương phục vụ cho nhà Hán, thay mặt vua Hán để cai trị phía Nam, bản thân ông cũng tỏ ra khinh miệt người Việt địa phương, coi họ chỉ là đám "Man Di", là xứ "trần truồng" mà thôi.

Phủ nhận bởi các sử gia nhà Hậu Lê và nhà Nguyễn

Sử gia Hồ Sĩ Dương nhà Hậu Lê khi soạn lại Lam Sơn thực lục (1679) đã viết lời bình:

Vũ đế nhà Triệu cùng vua Hán đều tự làm vua nước mình, gồm có đất ở ngoài Ngũ Lĩnh, đóng đô ở Phiên Ngung, thật là vua anh hùng. Thế nhưng chẳng qua cũng là một người Tàu sang cai trị nước ta, chưa được chính thống...

Ngô Thì Sĩ, một thế kỷ sau, cuối đời Hậu Lê đã đánh giá vai trò của nhà Triệu trong Việt sử tiêu án, ông khẳng định nước Nam Việt là ngoại bang, Triệu Đà là kẻ ngoại tộc:

An Dương Vương mất nước, để quốc thống về họ Triệu, chép to 4 chữ: "Kỷ Triệu Vũ Đế". Người đời theo sau đó không biết là việc không phải. Than ôi! Đất Việt Nam Hải, Quế Lâm không phải là đất Việt Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Triệu Đà khởi phát ở Long Xuyên, lập quốc ở Phiên Ngung, muốn cắt đứt bờ cõi, gồm cả nước ta vào làm thuộc quận, đặt ra giám chủ để cơ mi lấy dân, chứ chưa từng đến ở nước ta. Nếu coi là đã làm vua nước Việt, mà đến ở cai trị nước ta, thì sau đó có Lâm Sĩ Hoằng khởi ở đất Bàn Dương, Lưu Nghiễm khởi ở Quảng Châu, đều xưng là Nam Việt Vương, cũng cho theo Quốc kỷ được ư? Triệu Đà kiêm tính Giao Châu, cũng như Ngụy kiêm tính nước Thục, nếu sử nước Thục có thể đưa Ngụy tiếp theo Lưu Thiện, thì quốc sử ta cũng có thể đưa Triệu tiếp theo An Dương. Không thế, thì xin theo lệ ngoại thuộc để phân biệt với nội thuộc vậy.

Đại Việt sử ký tiền biên là bộ Quốc sử của nhà Tây Sơn đã chính thức chấp nhận quan điểm của Ngô Thì Sĩ và phủ nhận nhà Triệu, cải chính một quan niệm cũ kéo dài trong sử sách. Trong Đại Việt sử ký tiền biên, thời kỳ Triệu Đà nắm quyền không phải thời kỳ tự chủ mà là thời kỳ Ngoại thuộc, được chép thành kỷ "Ngoại thuộc Triệu Vũ đế". Ngô Thì Sĩ đã nói:

"Không nhận Đà là vua, là để cho nước ta thành một nước riêng đấy [...] Triệu Đà đời Tần chỉ là một quan huyện lệnh. Nhân nhà Tần loạn chiếm cứ đất Lưỡng Quảng… Các nhà làm sử như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên lấy công mở đầu nghiệp đế mà quy cho Đà… Hết sức tán dương đức khiêm tốn của Đà là sai đấy… Đà chiếm Ngũ Lĩnh, chỉ khổ vì lòng tham không biết thế nào là đủ, lại tiêu diệt An Dương Vương mà thôn tính đất đai, truyền được vài đời rồi mất. Bản đồ sổ sách thuộc nước cũ của An Dương phải nhập vào nhà Hán, do đó nước ta thành nguồn lợi cho Trung Quốc… nước ta ngoại thuộc vào Triệu, nên nội thuộc vào nhà Hán, cho mãi đến nhà Đường quốc thống bị đoạn tuyệt, suy nguồn gốc người đầu tiên gây nên tai vạ không phải Đà thì còn ai? Hơn nữa, Đà đặt nước ta làm quận huyện, chỉ biết tịch thu đất đai, vơ vét thuế má, chỉ cốt đầy ngọc bích cho nhà Hán, chất túi Lục Giả có đủ nghìn vàng. Còn như giáo hóa phong tục, không mảy may để ý đến. Trải qua hàng trăm năm đất nước chỉ là lệ thuộc… Lê Văn Hưu đặt phép chép sử đó, lập lối nghị luận đó, Ngô Sĩ Liên theo lối hiểu nông cạn đó mà không sửa đổi, cho đến bài Tổng luận của Lê Tung, thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm cùng nhau ca tụng cho Đà là bậc vua giỏi của nước mình. Đến nay đã trải hàng nghìn năm không ai cải chính, bởi vậy tôi phải luận thật sâu"

Sử quan Đặng Xuân Bảng của nhà Nguyễn nhận định:

Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung không thuộc vào đất của nước ta. Cai trị nước ta là do các viên quan lại (người phương Bắc) do Triệu Đà sai đến. Nước ta nội thuộc Triệu cũng như nội thuộc Hán, Đường, làm sao so sánh với An Dương Vương mà lẫn lộn thành triều đại chính thống của nước ta được? Việt sử (chỉ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn) theo sử cũ, cho là triều đại chính thống của nước ta là sai

Trong một bài viết trên báo Sông Hương năm 1936, Phạm Quỳnh phản đối các sử gia phong kiến đã coi Triệu Đà là vua của Việt Nam. Theo ông, "quốc sử phải lấy dân tộc làm nền", Triệu Đà là người Hán nên không thể coi là vua nước Việt, và "sử gia phong kiến tôn y (Triệu Đà) là ông vua khai quốc, ấy là đã làm một việc vô nghĩa..." [15]

Phủ nhận hiện nay

Từ thập niên 1960 của thế kỉ 20, các nhà sử học Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều nhất trí coi Triệu Đà là kẻ thù xâm lược.

Nhà Triệu không phải là quốc triều, Triệu Đà chỉ là một tên giặc cướp nước, quan niệm của Lê Văn Hưu là quan niệm lịch sử phản dân tộc!
  • Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam, tập I: Văn học dân gian (1961, PGS. Đỗ Bình Trị):
Thất bại của An Dương Vương do không đề phòng kẻ địch – thậm chí còn tin vào kẻ địch nham hiểm – là mặt thứ hai của bài học giữ nước[16].
  • Văn học dân gian Việt Nam (1962), GS. Đinh Gia Khánh viết:
Thần Nông lúc đầu vốn có trong thần thoại của Miêu tộc, dân tộc Hán sau này đã nhập vị thần này vào sổ bạ nhà thần Hán tộc; mặt khác, ông đánh giá Triệu Đà là kẻ ngoại xâm, kẻ gây ra tấn bi kịch nước mất, nhà tan cho cha con An Dương Vương[17].
  • Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971, công trình tập thể không ghi tên các tác giả), được biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Cuốn sách đã viết về Triệu Đà với cái nhìn thiếu thiện cảm:
Triệu Đà biết rằng không thể thắng được Âu Lạc về quân sự nên rút về núi Vũ Ninh, xin hòa với An Dương Vương. Hắn sai con trai là Trọng Thủy sang hàng phục An Dương Vương, xưng thần mà thờ. An Dương Vương gả con gái là Mị Châu cho Trọng Thủy. Trọng Thủy ở gửi rể bên nước Âu Lạc. Đấy chính là mưu mẹo mà Triệu Đà dùng để chiếm nước Âu Lạc. Trong những năm ở gửi rể, Trọng Thủy đã dò xét tình hình Âu Lạc, học phép chế nỏ và phá nỏ của người Âu Lạc rồi trốn về nước báo cho Triệu Đà. Kết hợp lực lượng quân sự và mưu mẹo gián điệp, lần này Triệu Đà thôn tính được nước Âu Lạc. An Dương Vương thua trận, phải nhảy xuống biển tự vẫn. Việc đó xảy ra vào khoảng năm 179 trước Công nguyên[18]....Nếu dân tộc Âu Lạc đã thống nhất từ bên dưới thì xã hội Âu Lạc lại bắt đầu chia rẽ từ bên trên. Quyền lợi vật chất đã tập trung vào một dòng họ quý tộc. Dòng họ này sống bằng mồ hôi nước mắt và máu của nô tì lao dịch, co rúm vào trong nội thành, đã mất cảnh giác với kẻ thù lại không tin vào nhân dân, thậm chí nghe lời gièm pha của bọn gian thần mà hại cả kiệt tướng trung thần. Sự đối lập giai cấp và lẫn lộn bạn thù này tất phải mở đường cho cuộc xâm lược của cha con họ Triệu nòi Hán và kết thúc bằng số phận bi thảm của cha con vua Chủ (An Dương Vương và Mị Châu). Trong lúc đó thì quần chúng vẫn không nguôi hận thù đối với bọn cướp nước.[19]
  • Trong Văn học dân gian Việt Nam (1990, do GS. Lê Chí Quế chủ biên)[20] và Văn học dân gian Việt Nam, tập 2 (của PGS. Hoàng Tiến Tựu)[21], các tác giả đều xếp Triệu Đà vào hàng ngũ bọn xâm lược.
  • Giáo sư Trần Văn Giàu, người sáng lập ngành sử học của nền khoa học sư phạm Việt Nam hiện đại, trình bày rõ ràng trong cuốn "Triết học và tư tưởng", phần bài viết "Tư tưởng chủ đạo của người viết sử", ông nêu:
Triều đại chính thống phải là của người bản quốc, không phải của người nước ngoài, đất nước phải là độc lập tự chủ, không thuộc vào địa bàn thống trị của nước khác, người cầm quyền nước ta không xưng thần với ngoại bang. Điều này thì rõ ràng là đúng. Nhưng khi ứng dụng vào thực tế lịch sử thì có mấy chỗ khó. Các sử thần thời Nguyễn đã nhận thức đúng rằng Triệu Đà không phải là vua nước ta mà là vua nước Nam Việt đã thôn tính nước ta, nhưng họ vì thiếu sử liệu mà ngỡ rằng Thục An Dương Vương, vua nước Âu Lạc, mặc dầu đóng đô ở Cổ Loa cũng không được xem là chính thống.
  • Phan Huy Lê, giáo sư lịch sử, trong lời giới thiệu cuốn Đại Việt Sử ký Toàn thư (2000) cho rằng việc Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là một vương triều chính thống của Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng. Ông khẳng định Nam Việt là một nước cát cứ của một tập đoàn phong kiến, không phải là nước của người Việt Nam. Ông cho rằng việc Triệu Đà đặt tên nước là Nam Việt (tỏ ý muốn phục hưng nước cũ của người Việt) cũng như việc Triệu Đà tự xưng là "Man Di đại trưởng lão phu", lấy vợ Việt, theo tục Việt... chỉ là các thủ đoạn mị dân Việt. Việc Triệu Đà chống Tần chống Hán cũng chỉ nhằm thỏa mãn mộng bá vương của riêng mình...
Một sai lầm nghiêm trọng hơn là nhận thức về nhà Triệu, Đại Việt sử ký toàn thư- đã dành cả quyền 2 phần Ngoại kỷ chép về kỷ họ Triệu, coi nhà Triệu như một vương triều chính thống của ta. Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, sai lầm trên có nhiều nguyên nhân phức tạp của nó.Triệu Đà là người Hán (quê ở huyện Chân Định, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), làm quan lệnh huyện Long Xuyên quận Nam Hải thời nhà Tần... chính Triệu Đà là kẻ đã xâm lược và đô hộ nước Âu Lạc. Sự thật lịch sử là như vậy... Nhưng Triệu Đà xây dựng lực lượng cát cứ, mưu đồ "tranh bá đồ vương" trên một địa bàn người Việt mà nhà Tần muốn thôn tính; cư dân tuyệt đại đa số là người Việt. Trong hoàn cảnh đó, để có lực lượng chống Tần, chống Hán, thực hiện mộng bá vương của mình, Triệu Đà và các vua Triệu kế tục đã thực hiện nhiều thủ đoạn mị dân nhằm tranh thủ các thủ lĩnh ngưòi Việt, tìm hậu thuẫn trong cư dân người Việt... Nhưng nhiều sử gia phong kiến đã không nhận ra bộ mặt cát cứ, xâm lược của nhà Triệu và ngộ nhận coi nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam.Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu,Trái tim lầm chỗ để trên đầu.Nỏ thần vô ý trao tay giặc,Nên nỗi cơ đồ đắm bể sâu.

Quan điểm phủ nhận Triệu Đà hiện là quan điểm chính thống của giới sử học Việt Nam, được phản ảnh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Vấn đề chính thống của nhà Triệu http://factsanddetails.com/southeast-asia/Vietnam/... http://mcel.pacificu.edu/as/resources/zhuang/zhuan... http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapt... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vanchuongviet.org/vietnamese/tulieu_tac... http://www.vannghesongcuulong.org/vietnamese/tulie... http://www.mofahcm.gov.vn/tintuc_sk/tulieu/nr05120...